"Những diễn biến gần đây cho thấy Apple đang đặc biệt quan tâm đến người dùng Việt Nam", đại diện một hệ thống bán lẻ nhận định. "Với tốc độ phát triển như hiện tại, Việt Nam có thể đạt điều kiện trở thành thị trường ưu tiên ở mức cao nhất vào năm 2024. Khi đó, hãng sẽ mở Apple Store và bắt đầu bán iPhone cũng như các sản phẩm khác cùng thời gian với các thị trường quan trọng như Mỹ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Australia...". Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là mục tiêu Apple hướng tới, chưa phải là kế hoạch chính thức.
Giới kinh doanh sản phẩm Apple cho biết tin đồn Apple Store có thể mở ở Việt Nam không mới nhưng gần đây, có nhiều tín hiệu cho thấy nó sẽ sớm trở thành hiện thực. "Trước đây chúng ta ở mức tier 4-5 (xếp hạng mức độ ưu tiên của Apple), gần đây là tier 3 và đang trên đường trở thành tier 2. Thậm chí, với một số chính sách sản phẩm, dịch vụ, chúng ta đã là tier 2", đại diện một đại lý ủy quyền Apple nói.
Apple Store tại Singapore có kiến trúc lạ mắt. Ảnh: Tuấn Hưng |
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng tiếp theo có thể mở Apple Store, sau Thái Lan và Singapore. Theo các chuyên gia, điểm quan trọng để Apple xem xét là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh số rất tốt, cao hàng đầu khu vực hiện tại, tỷ lệ người dùng sản phẩm Apple cũng ở mức cao.
Apple hiện bán sản phẩm trên toàn cầu với các mô hình chính gồm Apple Store, Apple Mono Store, AAR (Apple Authorized Retailer), APR (Apple Premium Retailer). Trừ Apple Store, các mô hình còn lại đều là dạng ủy quyền cho bên thứ ba và đều đã có ở Việt Nam. Trong hai năm qua, mô hình Mono Store đặc biệt nở rộ với các cửa hàng chỉ chuyên bán sản phẩm Apple dưới sự hợp tác với F.Studio, Thế Giới Di Động, Future World, eDigi hay ShopDunk. Ngoài các hệ thống bán lẻ, Apple cũng ủy quyền cả dịch vụ bảo hành, sửa chữa tại Việt Nam qua mô hình ASP với Điện Thoại Vui thuộc CellPhoneS.
Một số nguồn tin cho biết Apple đã nhiều lần khảo sát vị trí mở Apple Store ở Việt Nam. Hãng nghiên cứu chọn mở ở Hà Nội với khu vực trung tâm phố cổ, Hồ Gươm hoặc TP HCM tại trung tâm mua sắm quận 1, metro. Trong đó, Hà Nội gặp khó khi ít mặt bằng đủ điều kiện về diện tích, quy mô còn TP HCM là trung tâm kinh tế, có nhiều lựa chọn hơn.
Ngoài bán sản phẩm, Apple Store còn có khu vực riêng hướng dẫn sử dụng các tính năng mới của sản phẩm, hệ điều hành. Ảnh: Tuấn Hưng |
Apple Store là nơi bán mọi sản phẩm của Apple và được điều hành, quản lý trực tiếp bởi công ty. Ngoài mua sắm, đây còn được coi là địa điểm du lịch hấp dẫn với kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng của "Quả táo". Tuy nhiên, hãng sẽ phải cân nhắc nhiều về doanh thu, đào tạo nhân sự, trang thiết bị lắp đặt để mang đến trải nghiệm đồng nhất. Hiện có hơn 500 Apple Store trên toàn cầu, nhiều nhất là tại Mỹ (272), tiếp đến là Trung Quốc (43), Anh (39), Canada (28)... Tại Đông Nam Á, Thái Lan có hai Apple Store trong khi Singapore là ba.
Apple cũng đang chuẩn bị cho việc hiện diện chính thức nhiều hơn ở thị trường Việt Nam. Hãng mới bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Hải Vân làm Giám đốc quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, thị trường trong nước được phụ trách bởi giám đốc vùng, thường đặt tại Singapore. Một số nguồn tin cũng cho biết Apple mới thành lập phòng marketing riêng cho thị trường Việt Nam từ tháng 6. Hãng cũng bắt đầu có kế hoạch quảng bá, marketing tương tự các thương hiệu smartphone lớn khác như Samsung, Xiaomi thay vì thông qua các hệ thống bán lẻ như trước.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý II/2022, CEO Apple Tim Cook khẳng định Việt Nam là một trong bốn thị trường mới nổi đã đóng góp vào thành công của hãng. "iPhone có xu hướng trở thành động lực cho các thị trường này", ông nói.