Các kênh đầu tư đều suy giảm
Ở thị trường cổ phiếu, sau một nhịp tăng tăng hơn 10% từ đầu năm, VN-Index đã xuất hiện sự điều chỉnh. Cụ thể, hồi cuối tháng 1, chỉ số này đạt hơn 1.120 điểm, song đến hiện tại con số này chỉ ở quanh mốc 1.080 (giảm ~40 điểm).
Báo cáo của các đơn vị phân tích cũng cho thấy VN-Index và nhiều cổ phiếu đang có định giá rẻ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thực sự nhập cuộc mạnh mẽ. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của tuần vừa qua chỉ đạt hơn 8.600 tỷ, trong khi hồi tháng 1 con số này là 10.494 tỷ/phiên.
Với thị trường bất động sản, theo thông tin được ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Đáng chú ý, sơ bộ tháng 1 năm 2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ.
Còn theo báo cáo của nhiều đơn vị phân tích, mặc dù giá vẫn chưa giảm, song nhiều chủ đầu tư lại đang sẵn sàng đưa ra các mức chiết khấu lên đến 40-50% để hỗ trợ khách hàng mua nhà.
Với tiền gửi ngân hàng, theo các số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại các ngân hàng là hơn 11,55 triệu tỷ, tăng 5,6% so với cuối năm trước. Đáng chú ý, mức tăng hơn 5% cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất được ghi nhận trong 11 tháng tính từ đầu năm 2022. Theo các chuyên gia, việc tiền gửi vào các tổ chức tín dụng tăng mạnh chủ yếu do lãi suất huy động trong những tháng cuối năm trên thị trường đã được đẩy lên cao. Không hiếm đơn vị đã thu hút tiết kiệm với mức lãi suất từ 10-12%/năm trong giai đoạn này.
Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán, lãi suất đã chững lại. Tính đến giữa tháng 2/2023, đã không còn ngân hàng nào niêm yết lợi tức tiết kiệm cao nhất vượt mốc 9,5%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Và cũng không ít các nhà băng đã hạ lãi suất tại các kỳ hạn ngắn và dài từ 0,5-1%.
Bất động sản, chứng khoán đã thật sự rẻ?
Trong bối cảnh, lãi suất tiền gửi đã hạ nhiệt, các loại tài sản được chiết khấu gần 50% nhưng liệu đã thực sự rẻ và hấp dẫn nhà đầu tư?
Tại tọa đàm "Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" do Fiin Group phối hợp với Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức vừa qua, chuyên gia tài chính Đào Phước Tường cho rằng, giá nhà đất phải giảm đủ sâu để kích thích dòng tiền quay trở lại. Ngoài ra, lãi suất hạ nhiệt cũng sẽ là một yếu tố thu hút thêm nhà đầu tư ở thị trường này. Chuyên gia nói thêm, khi lợi tức trên chi phí của thị trường bất động sản cho thuê bằng với lãi suất tiết kiệm, thường đó sẽ là tín hiệu về đáy của thị trường địa ốc.
"Bây giờ lợi tức trên chi phí loanh quanh 3-5%, trong khi lãi suất tiền gửi 9-10%, chứng tỏ bất động sản chưa là cơ hội đầu tư hấp dẫn để kéo nhà đầu tư bất động sản tham gia", ông Tường nhận định.
Cũng theo ông, trong năm 2021, vì nhiều lý do, không ít doanh nghiệp tốt cũng đã phải đẩy lãi suất huy động trái phiếu lên để đáp ứng hoạt động kinh doanh. Nhìn trong năm 2020-2021, đa phần trái phiếu đến tay nhà đầu tư có lợi tức 8-9%, trong khi lãi suất ngân hàng 6-7%.
"Thời điểm hiện tại, nhiều trái phiếu xác suất vỡ nợ cực thấp, nhưng lợi tức gấp đôi gửi ngân hàng với kỳ hạn tương đương. Trong môi trường lãi suất đi xuống thì đó là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động. Bây giờ nói trái phiếu ai cũng chán, thì đó là lúc kênh đầu tư rất tốt", ông Tường nhận định.
Về thị trường chứng khoán, Bà Đỗ Hồng vân, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Fiin Group cho rằng mức định giá VN-Index thấp nhưng chưa thật sự rẻ. Cụ thể, mặt bằng định giá đã tăng nhẹ từ mức 9,9 lần lên 11 lần, tăng khoảng 20%. Điều này chủ yếu do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa được lạc quan. Ngoài ra, kỳ vọng nền lãi suất hạ nhiệt cũng làm cho định giá thị trường tăng lên.