Trung thu năm 2022, các loại đồ chơi truyền thống, làm thủ công của Việt Nam lên ngôi, dần đánh bật đồ chơi Trung Quốc vốn chiếm lĩnh thị trường nhiều năm qua
Đồ chơi truyền thống hút khách
Có mặt tại tuyến phố Hàng Mã, Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm), nơi được coi là “thủ phủ” bán các loại đồ chơi truyền thống mỗi dịp Trung thu, không khí mua sắm đang dần sôi động. Năm nay, đồ chơi Trung thu phong phú, đa dạng, trong đó hàng sản xuất trong nước và đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế.
Chị Minh Nguyệt, chủ cửa hàng đồ chơi Trung thu tại số 6B Hàng Mã cho biết, năm nay hầu hết cửa hàng đều bầy bán gần 100% sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống do các làng nghề sản xuất, có nguồn gốc rõ ràng, gắn với văn hóa Việt Nam. Các loại đồ chơi truyền thống này khá thu hút khách mua sắm.
Đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn cù, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da… có thể tìm thấy tại bất cứ cửa hàng nào trên phố Hàng Mã.
Đồ chơi Trung Thu truyền thống bầy bán trên phố Hàng Mã
Năm nay, giá cả các loại đồ chơi tăng nhẹ so năm trước khoảng 10 - 15%. Cụ thể, đèn lồng Trung thu hình thú phát sáng có giá từ 25.000 - 40.000 đồng; lồng đèn Trung thu sáng tạo 4 trong 1 có giá từ 70.000 - 110.000 đồng; đèn ông sao có giá 10.000 - 30.000 đồng; đèn lồng giấy phát nhạc từ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc; mặt nạ giấy từ 15.000 - 40.000 đồng/chiếc. Riêng mặt hàng đầu sư tử có giá cao hơn, từ 150.000 - 600.000 đồng/chiếc tùy loại…
Bên cạnh lồng đèn, các sản phẩm mặt nạ với những nhân vật quen thuộc như ông địa, chú hề, chú tễu… làm bằng giấy bồi với màu sắc tươi tắn rất bắt mắt có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/sản phẩm, thay thế cho mặt nạ nhựa do Trung Quốc sản xuất.
Ngăn chặn đồ chơi bạo lực nhập lậu
Tết Trung thu đang đến gần, lợi dụng dịp này, không ít đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em tung ra thị trường những mặt hàng mang tính bạo lực nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng để trục lợi.
Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thời điểm này, nhiều cửa hàng cũng bầy bán công khai đồ chơi trẻ em bạo lực. Chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình gươm, kiếm, súng, lựu đạn, các viên đạn nhựa... Còn trên "chợ" internet, chỉ với từ khóa "đồ chơi súng đạn", trong vài giây, người dùng dễ dàng tìm kiếm và có hàng triệu kết quả đồ chơi mang tính bạo lực như súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa, kiếm. Để qua mặt lực lượng chức năng, phương thức giao dịch chủ yếu là qua mạng xã hội hoặc qua điện thoại.
Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ đồ chơi bạo lực nhập lậu bầy bán tại quận Hà Đông
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện một số vụ kinh doanh đồ chơi bạo lực nhập lậu. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, ngày 17/8, Đội QLTT số 11 kiểm tra cửa hàng kinh doanh Ninh Hoà, có địa chỉ tại tổ 17 Phú Lương, quận Hà Đông đã phát hiện trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng là loại đồ chơi kích động, bạo lực, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Người tiêu dùng khi chọn mua đồ chơi nên lưu ý tới nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, thành phần của sản phẩm, không nên mua đồ chơi được bán rong, không có xuất xứ nguồn gốc rất có thể chứa chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ em. Đặc biệt không nên mua những món đồ chơi bạo lực bởi những món đồ chơi này không chỉ gây thương tích cho trẻ mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, nhân cách của trẻ. Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi. Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng |
Chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi Nguyễn Thị Hoà thừa nhận, toàn bộ số đồ chơi này được mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để tiêu thụ sản phẩm đồ chơi mang tính chất bạo lực, chủ của hàng lợi dụng mạng xã hội Facebook và tài khoản Zalo để rao bán sản phẩm.
Trước đó, Đội QLTT số 4 kiểm tra địa điểm kinh doanh tại ngách 74 ngõ Thịnh Hào 1 (quận Đống Đa) đã phát hiện 2.800 đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hình dạng kiếm và gậy do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số đồ chơi này không được chứng nhận chất lượng và không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều nguy hiểm hơn nữa là những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.
Phân tích nguyên nhân khiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh nhập lậu đồ chơi bạo lực, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTTT Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa nêu rõ, hiện một khẩu súng nhựa được nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng, nhưng khi đến tay người mua, giá được thổi lên khoảng hơn 100.000 đồng. Vì lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập số lượng lớn để bán ra thị trường.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng kinh doanh đồ chơi bạo lực, hàng nhập lậu, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 12/KH-QLTTHN về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Theo đó lực lượng QLTT Hà Nội bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bánh Trung thu, cần đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi vi phạm của những cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực, qua đó bảo đảm môi trường hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ nhỏ.
Theo Tieudung.vn