Phát biểu tại chương trình Hội thảo Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, “Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành sâm, hương liệu và dược liệu. Nền y dược học cổ truyền, dược liệu nước ta ghi nhận tri thức sử dụng 5.117 loài thuộc 1.823 chi của 362 họ thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, vừa có giá trị kinh tế cao vừa có công dụng chữa bệnh như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai,… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hiện nay vẫn còn hạn chế, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành sâm và hương dược liệu”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát của Việt Nam là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá thành hợp lý. 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai,… đang tập trung đầu tư nhằm phát triển cây sâm cũng như vùng nguyên liệu sâm tập trung
Riêng về sâm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam vì thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng hợp pháp, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực; thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu và công tác quảng bá cũng như xúc tiến thị trường tiêu thụ,…. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai,… đang tập trung đầu tư nhằm phát triển cây sâm cũng như vùng nguyên liệu sâm tập trung, phấn đấu đạt khoảng 21.000 ha diện tích trồng sâm vào năm 2030. Trong đó, đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là Sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu.
Phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam
Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Việt Nam tự sản xuất được 70% các loại thuốc cần dùng. Tuy nhiên, nguyên liệu bản địa chiếm 30% tổng giá trị thuốc sản xuất. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 40.000 tấn dược liệu, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm 80%. Điều này cho thấy nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam vẫn chưa được khai thác và phát triển một cách tối ưu. Thời gian qua, trung tâm đã tiến hành sưu tập và lưu giữ cây dược liệu của khu vực phía Nam và bộ sưu tập cây dược liệu đã lên đến 114 giống. Hiện trung tâm cũng đã nghiên cứu thành công nhân giống một số loại dược liệu như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm cau, ba kích…
Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành dược phẩm, đạt mức 8,5 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Với xu thế sử dụng các dược liệu thiên nhiên để chăm sóc sức khoẻ trên thế giới, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực, nổi tiếng về sâm và hương liệu, dược liệu trên thế giới, đặc biệt với các loài sâm bản địa như Sâm Ngọc Linh – loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và được xem như là Quốc bảo của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, ngành sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam cần vượt qua các thách thức, hiện đại hoá công nghệ chế biến, sản xuất, thương mại hoá hiệu quả các sản phẩm.
Thanh Uyên