Mới đây, Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu đã cho biết, việc bắt đầu ngày mới bằng một tách cà phê đã trở nên đắt đỏ hơn với người dân châu Âu, thậm chí được ví von rằng đây đã trở thành thức uống xa xỉ khi mặt hàng này đã tăng giá do giá đường và sữa tăng.
"Giá mỗi cốc cà phê tăng mạnh gần đây có thể khiến mặt hàng chủ lực buổi sáng gần như trở thành một thứ xa xỉ", Eurostat cho biết. Họ cũng đã báo cáo rằng giá cà phê tăng trung bình 16,9% trong tháng 8 so với thời điểm một năm về trước. Đồng thời cho biết thêm rằng giá sữa tươi nguyên kem hiện nay đã tăng trung bình hơn 24,3% và người tiêu dùng phải trả thêm 22,2% cho sữa tươi ít béo. Đường tăng mạnh nhất với giá trung bình tlà 33,4%.
Ly cà phê ở châu Âu cũng ngày càng đắt đỏ. |
Dữ liệu cho thấy giá của bốn mặt hàng này đã tăng ở tất cả các nước thành viên EU, ngoại trừ Malta, nơi hiếm hoi mà giá sữa tươi ít béo không thay đổi.
Phần Lan và Lithuania có giá cà phê biến động nhiều nhất, với mức tăng lần lượt là 43,6% và 39,9%, tiếp theo là Thụy Điển và Estonia.
Giá đường tại Ba Lan tăng cao nhất, với mức tăng đến 109,2% so với tháng 8/2021.
Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã chứng kiến lạm phát giá tiêu dùng đạt 9,1% trong tháng 8 do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, lạm phát đã đạt mức cao kỷ lục mới 10% vào tháng 9, theo ước tính nhanh của Eurostat.
Pháp lên kế hoạch thay đổi thực đơn
Tại Pháp, giá trứng đã tăng hơn gấp đôi do chi phí thức ăn và năng lượng cộng với thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch cúm gia cầm đã khiến một số công ty thực phẩm phải giảm sản lượng hoặc thay đổi công thức nấu ăn.
Cả Liên minh châu Âu và Mỹ đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay trong năm nay với hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy tại mỗi khu vực.
Sản lượng trứng trên toàn thế giới đã đạt 1.500 tỷ quả vào năm 2021, dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên trong lịch sử vào năm nay khi Mỹ giảm 4,6%, EU giảm 3% và Pháp giảm 8%. Nhà sản xuất trứng lớn nhất khối, tập đoàn công nghiệp CNPO của Pháp cung cấp thông tin.
Phó chủ tịch CNPO, ông Loic Coulombel cho biết: "Chúng tôi đang ở trong một tình huống chưa từng thấy trước đây. Trong những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chúng tôi thường chuyển sang nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ, nhưng năm nay tình hình tồi tệ diễn ra ở khắp mọi nơi.”
Sự sụt giảm này diễn ra vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với trứng, nguồn protein được coi là rẻ tại thời điểm lạm phát tăng cao.
Ông Coulombel nói: “Không thể vượt qua đà tăng giá, một số công ty đã bắt đầu thay đổi công thức nấu ăn hoặc tạm dừng dây chuyền sản xuất. Những món ăn như bánh mì hay mì ống sẽ bị ảnh hưởng.”
Một sự thay đổi trong công thức có thể là chuyển đổi loại trứng, giảm khối lượng sử dụng hoặc thậm chí là sử dụng chất thay thế như hạt đậu hoặc protein sữa.
Giá trứng tại các siêu thị ở Pháp đã tăng khoảng 15% - 20% kể từ đầu năm nay. Nhưng giá trứng công nghiệp trên thị trường giao ngay của Pháp được giao dịch ở mức 2,2 euro (2,2 USD)/kg vào thứ Tư, cao hơn gấp đôi so với giá hồi đầu năm và cao hơn khoảng 65% so với mức trung bình.
Ông nói thêm rằng, mức giá này thậm chí sẽ còn tăng vào cuối năm nay nhưng sẽ chưa thể so với giá cả tại Mỹ khi giá trứng tiêu chuẩn giao ngay đang ở mức 4,24 euro/kg.