Năm Bảy Bảy ghi nhận lãi bốc hơi đến 99,8% trong quý 3

Trong quý III/2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 121,01 tỷ đồng, tăng 20,65 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 0,3 tỷ đồng, giảm 99,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3/2022, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) ghi nhận doanh thu đạt 121 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ song lãi sau thuế giảm đến 99,8% xuống còn vỏn vẹn 0,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân do trong kỳ, doanh thu tài chính NBB giảm 86% còn 39 tỷ đồng. Trong khi, chi phí tài chính gấp 2,5 lần lên 86 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 13,87 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,14 tỷ đồng. 
Theo giải trình của NBB, doanh thu tài chính giảm chủ yếu do không ghi nhận thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư so với cùng kỳ ghi nhận 250 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, NBB mang về 290 tỷ đồng doanh thu, giảm 48% và 2,09 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đến 99,4% so với cùng kỳ. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu lãi sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, NBB mới chỉ thực hiện 2% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
 
Đến thời điểm cuối quý III/2022, tổng tài sản của NBB tăng 46% so với đầu năm lên 6.388,6 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khoản phải thu dài hạn gấp 2,6 lần so với đầu năm lên 1.587 tỷ đồng chủ yếu do NBB phải thu vốn góp hợp tác đầu tư là 1.566 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận.
Theo thuyết minh, đây là khoản hợp tác với CII về việc đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ cao ốc 152 Điện Biên Phủ với số tiền 1.150 tỷ đồng và hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (công ty con của CII) thực hiện hoạt động kinh doanh tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính tới 30/9/2022, số tiền Công ty góp vốn vào là 416 tỷ đồng.

Trong kỳ, các khoản phải thu dài hạn tăng 162,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 981,9 tỷ đồng lên 1.587,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 36,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 340,9 tỷ đồng lên 1,272,2 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 83,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 649,5 tỷ đồng lên 1.429,9 tỷ đồng …

Như vậy, việc Công ty đã tăng tồn kho và các khoản phải thu trong 9 tháng đầu năm, điều này nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ trước tới nay.

Ảnh minh họa
Năm Bảy Bảy hụt thu nhập từ chuyển quyền tham gia dự án đầu tư trong quý III và 9 tháng đầu năm (Nguồn: BCTC). 
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý 3, Công ty ghi nhận lỗ 22,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,8 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ vào việc ghi doanh thu tài chính là 39,1 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 862,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 625,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.083,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.934 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.

Được biết, từ năm 2007 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy ghi nhận âm vượt số tiền 862,9 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 351,62 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, Công ty đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 103,18 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý 4 không có gì thay đổi, Công ty sẽ ghi nhận dòng tiền âm 2 năm liên tiếp.