Rối rắm với khuyến mãi

 Ngày nay, khuyến mãi không còn xa lạ với hoạt động thương mại. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ bùng nổ, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, để kích cầu, các nhà bán hàng nghĩ ra nhiều chiêu thức để hút người mua hàng hóa, dịch vụ.
Nếu như trước đây, các siêu thị, cửa hàng chỉ có những chiêu kích cầu đơn giản như: giảm giá, tặng kèm quà, trúng thưởng, mua nhiều giá giảm... thì nay các bà nội trợ không còn xa lạ với các chương trình như mua sản phẩm thứ 2, 4, 6 giá siêu rẻ; mua hàng với tổng hóa đơn đến mức nào đó khách hàng sẽ được tặng quà hoặc được mua thêm hàng với giá siêu rẻ hay được tặng thẻ giảm giá cho lần mua sắm sau. Những chương trình này thường giới hạn thời gian hoặc số lượng hàng khuyến mãi nên người tiêu dùng có tâm lý mua nhanh kẻo hết. 
Ví dụ, bà nội trợ vừa mua vội 1 vỏ gối giá 115.000 đồng để được mua sản phẩm thứ 2 giá 5.000 đồng (tính chung mỗi cái 60.000 đồng) sẽ cảm thấy "bị lừa" khi lần sau đi siêu thị thấy giá sản phẩm này chỉ… 58.000 đồng/cái. Hay những sản phẩm dạng "combo" được quảng cáo là giúp khách hàng tiết kiệm nhưng... nhiều người mua xong dùng không hết lại trở nên lãng phí.
Còn trên sàn thương mại điện tử, các chương trình khuyến mãi thường giới hạn khung giờ để tạo cảm giác khan hiếm hay tặng mã giảm giá và người tiêu dùng sẽ rất thích thú khi mua được món hàng với giá hời. Thế nhưng, khi biết được giá thật của món hàng mình mua không thực sự rẻ như quảng cáo, người mua thường cảm thấy khó chịu và quay lưng với những khuyến mãi tương tự.
Một hình thức khuyến mãi khác cũng khiến người tiêu dùng khó chịu là tặng quà kèm nhưng người dùng không có nhu cầu hoặc được tặng quá nhiều bởi các thương hiệu khác nhau như: balô, dù, bình giữ nhiệt, túi vải đi chợ... Tuy nhiên, không ít sản phẩm quà tặng có chất lượng thấp nên nhiều khi trở thành sản phẩm dùng 1 lần rồi đi thẳng vào thùng rác. Hụt hẫng hơn là khi chương trình tặng quà kết thúc thì giá sản phẩm cũng không còn cao như ban đầu. Điều này có nghĩa quà khuyến mãi đã bị cộng vào giá sản phẩm và người tiêu dùng phải bỏ thêm tiền để mua món hàng mình không có nhu cầu.
Ngoài ra, cùng với sự nở rộ của hàng loạt ứng dụng (app) ví điện tử và app thanh toán không tiền mặt thì các chương trình khuyến mãi càng thêm rối rắm khi một mặt hàng có thể có nhiều mức giá khác nhau tùy app thanh toán và mã khuyến mãi. Nhiều chương trình quảng cáo là tặng 50.000 đồng nhưng thực chất người dùng chỉ được nhận 25.000 đồng vì món hàng đã bị thổi giá lên. Chưa hết, người tiêu dùng cũng phát mệt khi phải tự cộng dồn hóa đơn mỗi lần mua sắm để nhận được khuyến mãi và chỉ cần tính nhầm điểm, rơi mất hóa đơn, quên thời hạn chương trình thì coi như mất trắng.
Theo các chuyên gia bán lẻ, trong lúc kinh tế đang có những khó khăn nhất định, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu, nhà bán lẻ tung ra những chương trình kích cầu nhưng không tính toán kỹ, rối rắm, đánh đố người tiêu dùng, khó định lượng được giá trị khuyến mãi sẽ bị người tiêu dùng bỏ qua, thậm chí có ác cảm và quay lưng với nhà bán hàng. 
An Na (theo NLĐ)
In bài viết