sLạ lùng BĐS: Chỗ tranh mua siêu đắt, nơi xả bán như 'rau'

Thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu “đóng băng” khi nhiều phân khúc rao bán nhan nhản nhưng vẫn “ế ẩm”. Tuy nhiên, điều lạ lùng là nhiều khu vực giá cao bất thường, cá biệt là khu vực Tây Hồ Tây vượt lên hơn 400 triệu đồng/m2 vẫn không mua được.

Thị trường giảm tốc mạnh

Một dự án bất động sản (BĐS) phía Đông Hà Nội đang chuẩn bị ra hàng nhưng các hội nhóm từ zalo, facebook nhan nhản các lời chào bán với những chính sách hấp dẫn. Thế nhưng, mức giá được các môi giới đưa ra lên tới 130 triệu đồng/m2 liền kề. Theo lời môi giới tiết lộ “vợt” bằng được khách đặt cọc thiện chí trước khi chính thức chủ đầu tư ra hàng.

Hay như những lời mời chào chỉ 5 tỷ đồng một căn liền kề tại Hà Nội xuất hiện thường xuyên trên tường facebook. Mức giá hấp dẫn này thu hút sự tò mò của khách hàng. Chỉ cần khách kích vào một trang ngay lập tức xuất hiện hàng chục trang quảng cáo dự án này, thậm chí ngay lập tức môi giới tìm được số điện thoại của khách liên hệ hỏi nhu cầu mua.

Một dự án chung cư trên đường Lê Văn Lương, các nhân viên môi giới thậm chí xuống đường phát tờ rơi cho khách đi qua nhưng không mấy ai quan tâm.

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn quý III/2022, mức độ quan tâm đến bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh so với quý trước đó. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TPHCM tăng 6% so với quý II.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc của Batdongsan.com.vn - cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà giảm tốc mạnh. Chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường.

Theo ông Quốc Anh, nhu cầu tìm mua các loại hình BĐS đều giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm với BĐS bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh.

Cùng với đó, các chủ đầu tư khát vốn từ đầu năm tới nay còn người mua nhà cũng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận dòng vốn vay mua BĐS từ phía ngân hàng. Ông Quốc Anh cho rằng, việc tắc nghẽn nguồn vốn là nguyên nhân của sự sụt giảm trên. Trên thực tế, tình trạng khát vốn của các chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay. 

Lạ lùng BĐS: Chỗ tranh mua siêu đắt, nơi xả bán như rau - Ảnh 1.

Chung cư trên đường Lê Văn Lương hết rao bán trên mạng, môi giới còn xuống đường phát tờ rơi "kiếm" khách.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội - cho biết, thanh khoản quý III năm nay chậm trên nhiều phân khúc, việc kiểm soát tín dụng khiến thị trường hấp thụ kém. 

Tuy nhiên, bà Hằng thông tin điều lạ lùng là nhiều khu vực giá cao bất thường, cá biệt là khu vực Tây Hồ Tây vượt lên hơn 400 triệu đồng/m2. Giá đẩy lên cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến giao dịch không có.

Giải pháp nào "cứu" thị trường?

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa gửi công văn đến Thủ tướng để kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuận lợi hơn.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 đã tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ ngay từ "đầu vào" là khâu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và tăng cường quản lý chặt chẽ "đầu ra" là khâu mua trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, việc quản lý "rất chặt chẽ đầu ra" có thể dẫn đến làm sụt giảm quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó huy động vốn trên thị trường trái phiếu do thiếu người mua. Điều này có thể làm giảm vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà lẽ ra phải trở thành một kênh dẫn vốn xã hội hóa quan trọng bổ sung một phần vốn đầu tư trung, dài hạn cho doanh nghiệp để chia sẻ với kênh tín dụng.

Theo đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định để thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội.

Hiện, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác. Tương tự, các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán phải đối mặt với tình trạng thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp BĐS khó huy động vốn

Kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần tín dụng (room) thêm 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
In bài viết