Khi thế giới phải vật lộn với những thách thức môi trường cấp bách và nhận thức ngày càng tăng về sức khỏe cá nhân, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên các lựa chọn thân thiện với môi trường và thực hành tiêu dùng có trách nhiệm. Đây là cơ hội cho các nhà bán lẻ nước ngoài, theo trang Vietnam Briefing.
Xu hướng sống lành mạnh và bền vững
Với tầng lớp người tiêu dùng ngày càng mở rộng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tiềm năng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững chưa bao giờ hứa hẹn hơn thế ở Việt Nam. Các nhà bán lẻ nước ngoài có thể tận dụng xu hướng sống lành mạnh và bền vững này.
Theo khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, người tiêu dùng quan tâm đến các yếu tố cơ bản như chất lượng, độ bền, giá thành cũng như độ an toàn, độ tươi của sản phẩm, dinh dưỡng và nước xuất xứ.
Khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền cho những hàng hóa được coi là “xanh”, “sạch”, được làm từ nguồn tài nguyên bền vững. Nhiều người tiêu dùng thích mua hàng hữu cơ, sinh học và không biến đổi gene.
Người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo khảo sát, 43% số người được hỏi cho biết, họ lo lắng rằng, các công ty có thể sử dụng các hóa chất bất hợp pháp trong sản xuất và bảo quản thực phẩm hoặc nguyên liệu thô kém chất lượng.
Các yếu tố thúc đẩy xu hướng
Theo khảo sát của PwC, hơn 90% số người được hỏi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và sản phẩm sử dụng vật liệu bền vững.
Nhận thức này đã dẫn đến nhu cầu đáng kể về các lựa chọn bền vững. Các công ty đang điều chỉnh chiến lược để đáp ứng những sở thích đang thay đổi này, nhấn mạnh tính minh bạch, dán nhãn sinh thái và các hoạt động bền vững để thu hút người tiêu dùng có ý thức ở Việt Nam.
Theo Mckinsey & Company, trong 10 năm tới, sẽ có thêm 37 triệu cá nhân ở Việt Nam tham gia tầng lớp tiêu dùng chi ít nhất 11 USD mỗi ngày.
Tầng lớp người tiêu dùng ngày càng tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Khi thu nhập khả dụng tăng lên, người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thực phẩm chất lượng tốt hơn và an toàn hơn. Họ ưu tiên những sản phẩm giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Những thách thức mà các nhà bán lẻ phải đối mặt
Các nhà bán lẻ ở Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn khi họ cố gắng bắt kịp xu hướng sống lành mạnh ngày càng tăng, để phát triển các sản phẩm sáng tạo và bổ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Đối với các nhà bán lẻ đang cố gắng bắt kịp xu hướng sống lành mạnh tại Việt Nam, việc tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp có thể đặt ra những thách thức không nhỏ.
Thứ nhất, khả năng tìm nguồn nguyên liệu hoặc sản phẩm hữu cơ và chất lượng cao có thể bị hạn chế do nguồn cung của các nhà cung cấp đáp ứng tiêu chí này trên thị trường địa phương còn hạn chế.
Thứ hai, việc đảm bảo chuỗi cung ứng đáng tin cậy và nhất quán có thể gặp khó khăn do cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Những thách thức này đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết lập quan hệ đối tác mới và có khả năng vượt qua các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ để đáp ứng thành công nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đang phát triển.
Chiến lược dành cho nhà bán lẻ nước ngoài
Các nhà bán lẻ có thể áp dụng các chiến lược hiệu quả để quảng bá các sản phẩm địa phương và bền vững, như tạo các khu vực dành riêng cho cửa hàng của mình, làm nổi bật các mặt hàng có nguồn gốc địa phương, nhấn mạnh nguồn gốc và tác động tích cực đến môi trường của sản phẩm.
Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng có thể hợp tác với nông dân và nhà sản xuất địa phương để củng cố chuỗi cung ứng và xây dựng ý thức hỗ trợ cộng đồng.
Nguồn: LAODONG.VN