Xây dựng nguồn nhân lực quy mô, chất lượng phục vụ cho ngành Logistics

 Ngày 20/3 tại Hải Phòng, Trường cao đẳng Hàng Hải 1 đã tổ chức buổi đánh giá kết thúc Đào tạo thí điểm mô đun vận hành xe nâng. Hoạt động này nằm trong khoá học ngắn hạn Chiến lược Đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện trong ngành Logistics tại Việt Nam (CBTA) được chính phủ Úc tài trợ thông qua chương trình Aus4Skills.
7c2c2e4bcad1668f3fc0

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai chính phủ Việt Nam và Úc, thông qua chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, hợp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp logistics trong giáo dục nghề nghiệp được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017. Là một phần của các hoạt động phát triển năng lực đào tạo dành cho các giảng viên Giáo dục nghề nghiệp và các bộ đào tạo doanh nghiệp, dự án đang triển khai hai hoạt động chính sau: Khoá đào tạo nâng cao về chiến lược CBTA và khoá học ngắn hạn Australia Awards Short Course (AASC) đối với chiến lược Đào tạo nghề cho giảng viên và cán bộ Giáo dục nghề nghiệp trong ngành logistics.

          CBTA là chương trình đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực thực hiện. Đây là một hướng tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra của người học, kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức giảng dạy và hình thức đánh giá được thiết kế nhằm đánh giá việc học của người học thông qua việc thể hiện kiến thức, kỹ năng và hành vi của họ đối với yêu cầu đề ra ở mỗi trình độ. Thông qua khóa học này, học viên đã được đào tạo nhiều kiến thức chuyên sâu.

          Bà Lou De Castro Myles, Chuyên gia Giáo dục nghề nghiệp, Giảng viên quốc tế của Strategic, Úc cho biết: “Phương pháp CBTA này nhằm đảo bảo cho người học thực hiện được kỹ năng như ngoài môi trường làm việc thực tế. CBTA chú trọng vào môi trường làm việc mà giáo viên và người học cần phải thấu hiểu những yêu cầu trong môi trường làm việc là thực tập trong môi trường mô phỏng theo đúng tiêu chuẩn của công ty làm việc logistics. Logistics là một ngành làm việc quốc tế, do đó chúng ta phải lưu ý đến các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đem phương pháp này tới Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn quốc tế khác đã được xây dựng bởi APEC, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong APEC được thử nghiệm phương pháp đào tạo này”.

          CBTA phối hợp chặt chẽ ba bên giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có nhu cầu. Cơ quan quản lý có chức năng tư vấn và hỗ trợ về chính sách phát triển logistics. Doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường trong khâu thực hành, thực tế của học sinh trong nghề và hỗ trợ cho việc giải quyết việc làm cho học sinh. Nhà trường đóng vai trò là một đơn vị thực thi chính thức của tất cả các hoạt động đó để cung cấp nguồn nhân lực và thực hiện các khâu như đào tạo giáo viên, chỉnh sửa chương trình, hướng dẫn cho học sinh, định hướng cho học sinh hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao.

          Bà Vũ Thị Hải Vân, chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề – ngành Logistic (LIRC) khu vực miền Bắc cho biết “Năm 2023, LIRC chúng tôi có cùng nhau xây dựng một báo cáo kỹ năng nghề cảng. Sau khi phân tích, tính toán chúng tôi đã thống kê được hiện nay số lượng cảng dự kiến sẽ tăng rất nhiều trong thời gian tới, nhưng vị trí việc làm của nhân viên lái xe nâng lại rất khan hiếm. Cả nước hiện nay chỉ có 1 vài cơ sở đào tạo và cấp giấy chứng nhận trình độ sơ cấp về lái xe nâng. Với vị thế Trường Cao đẳng Hàng hải 1 ở khu vực Hải Phòng với 50 cảng, nhu cầu của các doanh nghiệp logistic và các khu công nghiệp và khu chế xuất là rất lớn. Do đó, nếu các trường có thể đào tạo ngay nhân lực lái xe nâng thì sẽ tháo gỡ các khó khăn về tuyển dụng của các doanh nghiệp cảng nói riêng và các doanh nghiệp logistics nói chung”.

Tiến sỹ Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hàng hải 1 chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 trường tôi vinh dự được lựa chọn đào tạo thí điểm theo phương pháp xây dựng chiến lược và đào tạo dựa trên năng lực thực hiện (CBTA). Theo dự báo kỹ năng nghề cảng thì trong thời gian tới rất cần nguồn nhân lực này, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành Logistics trong giai đoạn tới, nhà trường chúng tôi đã mời doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đầu tiên nguồn giảng viên chất lượng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghề nghiệp khi tham gia thị trường lao động trong hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình đào tạo như giảng dạy một số học phần thực hành nghề nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động trải nghiệm thực tế, quá trình thực tập hoặc cộng tác tại doanh nghiệp (qua các học phần Hội nhập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp) và tham gia đánh giá cuối khoá. Việc triển khai đào tạo theo phương pháp đánh giá năng lực đã phát huy tác dụng, nhiều sinh viên có kỹ năng tốt ngay trong quá trình học tập đã được các Doanh nghiệp tuyển dụng ngay trong quá trình đào tạo và được tuyển dụng chính thức với thu nhập cao. Phát huy phương pháp này, Nhà trường đang và sẽ tiếp tục triển khai phương pháp đào tạo trên với tất cả các ngành nghề, hệ đào tạo còn lại, đồng thời có chủ trương lập dự án đầu tư trang thiết bị đủ để triển khai theo chương trình CBTA nói trên để đáp ứng nhu cầu đào tạo gắn với thực tiễn của doanh nghiệp hiện nay”.

          Các trường cũng như các doanh nghiệp có tư thế chủ động đến với nhau để hai bên có được điều kiện thực hiện tư vấn về chương trình cũng như thiết bị cho phù hợp. Bên doanh nghiệp cũng sẽ nhận được các kỹ thuật viên có trình độ tương ứng để giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện liên tục. Những đội ngũ thực hiện công việc ở doanh nghiệp được đào tạo bài bản trong lĩnh vực logistics.

          Tham gia chương trình với vai trò là Giám khảo đánh giá học viên mô đun Vận hành xe nâng,  ông Quách Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt logistic nhận xét: “Tôi thật sự rất hài lòng với phương pháp này và chất lượng đào tạo của khoá học. Các học viên đã hoàn thành được hầu như các tác nghiệp cơ bản, tuân thủ đúng quy trình an toàn vận hành xe nâng. Khả năng điều khiển và vận hành xe nâng mạnh mẽ và chính xác, quản lý được trọng tải. Kỹ năng quan sát và đánh giá tình huống để đưa ra các quyết định an toàn và hiệu quả trong quá trình vận hành, phản ứng đúng các nguy cơ và thách thức trong môi trường làm việc. Mô hình đào tạo có kết hợp doanh nghiệp tốt cho cả hai phía. Phía nhà trường sẽ nắm bắt được hơi thở của môi trường lao động quốc tế và các bạn cũng bám sát được nhu cầu của doanh nghiệp đang yêu cầu. Chương trình ngày càng gần với yêu cầu thực tiễn, học viên tốt nghiệp sẽ rút ngắn được thời gian làm quen với công việc. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có nguồn nhân lực có sẵn và khá gần với nhu cầu chúng tôi cần có”.

THÔNG TIN BỔ SUNG:

Bối cảnh

Với mức tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm, logistics được coi là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.  Tiếp theo đó là sự ra đời của thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH được ban hành vào năm 2020, thì số lượng mã ngành logistics được mở tại các trường cao đẳng tăng đáng kể, góp phần giải quyết được phần nào bài toán nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong bối cảnh Chính phủ xác định phát triển nguồn nhân lực là một phần trong năm nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, cải thiện chất lượng dịch vụ ngành logisitcs và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian qua, nâng tầm kỹ năng và vai trò của hội đồng kỹ năng ngành được nhắc đến như một trong những chiến lược quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ngày 30/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1446/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, với mục tiêu đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình GDNN để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực, nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố vào đầu năm 2022 cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính bởi vậy, để tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành này thì đòi hỏi cần có một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để đáp ứng được sự phát triển của ngành, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị đào tạo đã nỗ lực để cung ứng ra thị trường nguồn lao động có chất lượng cao. Ở bậc đại học, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.

Ở bậc cao đẳng và trung cấp, có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo nghề logistics với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.

Theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn một triệu nhân sự có chuyên môn về Logistics.

Các công ty kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, nguồn cung lao động hiện tại cho dịch vụ Logistics chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế. Các nhà quản lý thường là những người chủ chốt, được đào tạo và đào tạo lại; tuy nhiên, họ thiếu kiến ​​thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít khi cập nhật kiến thức và phong cách lãnh đạo của họ chưa theo kịp nhu cầu. Với lợi thế nằm trên trục giao thương hàng hải, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để trở thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa đường biển xuyên quốc tế.

Sự ra đời của dự án:

Chương trình Aus4Skills là tên gọi tắt của Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Đây là dự án của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chương trình này hợp tác trong 10 năm (2016-2025) có trị giá lên tới 86,4 triệu đô la Úc. Năm mục tiêu chính của Aus4Skills bao gồm: Triển khai học bổng Australia Awards và các chương trình hỗ trợ cựu du học sinh sau khi về nước; Nâng cao năng lực giáo dục nghề nghiệp (VET) của Việt Nam; và Hỗ trợ phát triển dịch vụ công thông qua Trung tâm Việt Úc (VAC).

Trong bối cảnh trên và cũng là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai chính phủ Việt Nam và Úc, thông qua chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, hợp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục nghề nghiệp với việc thử nghiệm mô hình đào tạo với sự dẫn dắt của doanh nghiệp được triển khai với ngành logistic tai Việt Nam từ năm 2017, dự án Đào tạo nghề của Aus4SKills tiếp nối việc sử dụng và nhân rộng mô hình Chiến lược Đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện trong ngành Logistics tại Việt Nam (CBTA). Là một phần của các hoạt động phát triển năng lực đào tạo dành cho các giảng viên GDNN và các bộ đào tạo doanh nghiệp, dự án sẽ triển khai hai hoạt động chính sau: Khoá đào tạo nâng cao về chiến lược CBTA và khoá học ngắn hạn Australia Awards Short Course (AASC) đối với chiến lược Đào tạo nghề cho giảng viên và cán bộ GDNN trong ngành logistics.

Một số kết quả của dự án:

Trải qua 5 năm thực hiện dự án ở giai đoạn 1 trên khắp Việt Nam, Aus4skills đã đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp với những con số ấn tượng:

+ Tổ chức 31 khóa tập huấn/bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn cho 1.411 học viên (51% là nữ) gồm 3 chương trình tham quan học tập tại Ốtxtrâylia. 10 khóa đào tạo, 18 hội thảo/đối thoại/tư vấn/thí điểm đào tạo cho sinh viên.

+ Số lượng tuyển sinh Logistics tăng từ 187 học viên năm 2017 lên 1.440 học viên năm 2021.

+ Hơn 5.305 học viên được hưởng lợi từ các hoạt động nâng cao năng lực của giảng viên.

+ 105 nhà quản lý cấp trung và cao cấp của các cơ sở GDNN và doanh nghiệp được nâng cao năng lực quản lý. xây dựng kế hoạch chiến lược. kế hoạch nhân sự. quản lý thay đổi và năng lực lãnh đạo.

+ Có 6 cơ sở GDNN đối tác được cấp phê duyệt mã ngành để đào tạo 8 chương trình trung cấp và cao đẳng và điều chỉnh 3 chương tình đào tạo liên quan đến Logistics.

+ Đã ký 90 Biên bản ghi nhớ và thỏa thuận giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp .

Yến Nhi

 

In bài viết