Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu giảm do áp lực cạnh tranh gay gắt về giá và giá nhiên liệu than tăng quá cao. Tháng 7, tiêu thụ sản phẩm xi măng ở mức 5,95 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,85 triệu tấn, xuất khẩu ở mức 1,1 triệu tấn.
Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu sản phẩm xi măng là 18,15 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc, Philippines là hai thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam.
Xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất xi măng trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành này đang phải đứng trước 3 thách thức lớn gồm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, cân đối cung cầu và vấn đề môi trường. Than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm 56% giá thành sản xuất. Giữa tháng 8, giá than nhập khẩu tăng lên mức 210 - 220 USD đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Nhiều dây chuyền sản xuất đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, nhà thầu bị thua lỗ hoặc dừng thi công. Các nhà máy đưa ra giải pháp giảm tỷ lệ clinker trong xi măng hay sử dụng thêm phế thải để thay thế nhưng không dễ thực hiện.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam |
Thách thức lớn thứ hai Hiệp hội Xi măng nhắc tới là tình trạng mất cân đối cung - cầu. Hiện tổng công suất thiết kế của ngành xi măng từ 107 triệu tấn đến 123 triệu tấn, nhưng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa chỉ ở mức hơn 50 - 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm. Điều này dẫn đến tình trạng các công ty cạnh tranh nhau về địa bàn, giá cả, số lượng, càng sản xuất càng thua lỗ.
Thông tin từ hiệp hội đề cập nhiều công ty xi măng đều đang sản xuất vượt công suất thiết kế, để đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào như: đá vôi, đất sét… thì các nhà máy phải tăng vượt mức khai thác. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường không ủng hộ nên thủ tục liên quan đến khai thác đá vôi gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngành xi măng cũng đang đầu tư thu gom rác thải, phế thải, bùn thải… để vừa sản xuất xi măng vừa bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại về thủ tục và việc tìm kiếm nguồn rác thải để sản xuất xi măng cũng không đơn giản.
Theo NDH