Khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Sáng 3/1, UBND TPHCM tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

bao-tang-ton-duc-thang1

 

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh An Giang; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM…

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng là công trình đầu tiên được TPHCM khánh thành trong năm 2025 và cũng là công trình đầu tiên trong các công trình đăng ký chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập ngày 20/8/1988, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bảo tàng Tôn Đức Thắng là loại hình bảo tàng danh nhân và đây là bảo tàng duy nhất trong cả nước kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng ngôn ngữ bảo tàng.

Bảo tàng mang trên mình một sứ mạng, một nhiệm vụ văn hóa - chính trị rất đặc biệt, bởi lẽ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Chính từ thành phố anh hùng này, vào những năm đầu của thế kỷ 20, người thợ máy Ba Son Hai Thắng - người Cộng sản Tôn Đức Thắng đã sáng lập Tổ chức Công hội bí mật dẫn dắt phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, của nhân dân lao động.

bao-tang-ton-duc-thang

 Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành

Trong suốt hành trình cách mạng, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, người Cộng sản Tôn Đức Thắng đã luôn tích cực tham gia và giữ những vai trò rất quan trọng trong nhiều tổ chức cách mạng, các phong trào cách mạng và đã cùng các đồng chí lãnh đạo lãnh đạo cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong các giai đoạn khác nhau của thời kỳ.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gắn bó suốt cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, chiến đấu, hy sinh dành cả cuộc đời mình vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và vì nền hòa bình của thế giới. Trong các phong trào quốc tế cộng sản, kể cả sau này trong hoạt động ngoại giao, đối ngoại, trong hữu nghị và hòa bình, hình ảnh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng được bạn bè quốc tế rất trân trọng, quý mến.

“Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng là tấm lòng không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM mà của tỉnh An Giang, của cả nước, kính dâng lên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu, để tỏ lòng biết ơn đến những cống hiến, sự hy sinh và tình cảm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng dành cho cách mạng, dành cho nhân dân” – đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Qua hoạt động của bảo tàng, giúp cho người xem trong và ngoài nước không chỉ hiểu về sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn hiểu được tình cảm quốc tế cao cả, trong sáng của các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiểu được tấm lòng, tình yêu thương của các đồng chí lãnh đạo dành cho nhân dân, dành cho quê hương, đất nước.

Thành Yến

In bài viết